RÁC THẢI NHỰA – MỐI ĐE DOẠ CỦA RỪNG NGẬP MẶN
BÀI 3: RÁC THẢI NHỰA – MỐI ĐE DOẠ CỦA RỪNG NGẬP MẶN
Mô tả:
🌳 Trong những năm gần đây, rừng ngập mặn đang dần biến mất với tốc độ chóng mặt. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự tàn phá của con người và ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Xu hướng và thói quen sử dụng nhựa ngày càng tăng kéo theo sự bùng nổ khổng lồ của rác thải nhựa, trở thành thảm họa đối với môi trường, và rừng ngập mặn là một trong số những nạn nhân đó.
🌳 Trong bài học này, chúng ta cùng tìm hiểu thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay, những tác động của chúng đối với môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cũng như sự sinh tồn của động vật và con người.
Nội dung bài học:
1. Rác thải nhựa – Hạt vi nhựa
Trong tình trạng hiện nay, Việt Nam là trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.
1.1 Rác thải nhựa là gì?
🌳 Rác thải nhựa là những sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng và được thải ra môi trường như: Túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa, các loại chất dẻo tổng hợp…
🌳 Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc mỗi năm cả thế giới có khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển.
🌳 Riêng Việt Nam chiếm khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 730.000 tấn bị thải ra biển.
1.2 Hạt vi nhựa
🌳 Gần đây, thêm một mối đe dọa mới được phát hiện, còn nguy hiểm hơn hơn rác thải nhựa, đó chính là hạt vi nhựa.
🌳 Hạt vi nhựa, mảnh nhựa với kích thước rất nhỏ từ 5mm đến 10 nanomet, đang được sử dụng rộng rãi trong các đồ gia dụng và chất mài mòn công nghiệp như kem đánh răng và mỹ phẩm, cũng như trong các loại vải mà các nhà sản xuất đang sử dụng để sản xuất quần áo hàng ngày của chúng ta.
2. Rác thải nhựa và hạt vi nhựa đã bóp chết rừng cây ngập mặn như thế nào?
2.1 Rác thải nhựa và hạt vi nhựa trong rừng ngập mặn đến từ đâu?
2.1.1 Các hoạt động và dòng chảy đô thị và nông nghiệp
🌳 Phần lớn các con sông mang rác thải nhựa từ sâu trong đất liền ra biển, và xâm nhập vào các khu vực rừng ngập mặn.
2.1.2 Nhà máy xử lý nước thải
🌳 Rác thải nhựa và hạt vi nhựa trong nước thải sinh hoạt là yếu tố đóng góp chủ yếu gây ô nhiễm nhựa cho rừng ngập mặn.
🌳 Mặc dù, trên 90% số hạt vi nhựa ở nước thải được loại bỏ trong các nhà máy xử lý thông thường, nhưng vẫn có một số lượng đáng kể hạt vi nhựa được thải ra môi trường do lượng nước thải thải ra nhiều nơi và nhiều lần.
🌳 Ngoài ra, ở một số nước đang phát triển, thiết bị xử lý nước thải không đầy đủ, nước thải sinh hoạt có thể được trực tiếp thải ra sông đi vào các khu vực rừng ngập mặn.
2.1.3 Rác bãi biển do du lịch và đánh cá
🌳 Các sản phẩm nhựa bị khách du lịch bỏ lại như túi ni-lông, chai nhựa và vô số loại rác thải nhựa khác là nguồn ô nhiễm tiềm tàng trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn.
🌳 Các ngư cụ đánh bắt thủy hải sản bị bỏ quên, thất lạc như dây câu, thùng nhựa, hay các thiết bị được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cũng góp mặt vào “danh sách đen” này.
2.1.4 Các hoạt động hàng hải (nuôi trồng thủy sản và vận tải biển)
🌳 Nuôi trồng thủy sản biển cũng được coi là nguồn gốc để các hạt vi nhựa xuất hiện trong trầm tích rừng ngập mặn, đó là do thiết bị được sử dụng trong quy trình nuôi trồng thủy sản chứa nhiều thành phần nhựa.
Ngành vận tải biển với các sự cố tràn dầu, cũng góp phần đáng kể trong cuộc chiến hủy hoại rừng ngập mặn.
2.2 Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa trong rừng ngập mặn
🌳 Trầm tích rừng ngập mặn đã được xác định là một điểm nóng cho ô nhiễm nhựa, với nồng độ nhựa cao hơn gần 8,5 lần so với đất trống liền kề bờ biển.
🌳 Dọc theo đường bờ biển Ả Rập Saudi, người ta ước tính rằng kể từ những năm 1930, khoảng 50 đến 110 tấn nhựa đã bị mắc kẹt trong trầm tích rừng ngập mặn qua Biển Đỏ và Vịnh Ả Rập.
2.3 Tác động của rác thải nhựa và hạt vi nhựa đến hệ sinh thái rừng ngập mặn và con người
🌳 Tác hại nguy hiểm nhất của rác nhựa chính là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi chôn vùi trong đất, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.
🌳 Rác thải nhựa làm cho cây ngập mặn không còn chỗ nào để bám rễ, khiến cho quá trình hô hấp của cây thông qua hệ thống rễ gần như không thể. Cuối cùng cây ngập mặn bị ngạt và chết
🌳 Hơn thế nữa, rác thải nhựa và hạt vi nhựa là mối đe dọa đáng báo động làm suy giảm sự đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nhiều loài động vật, sinh vật biển và các loài chim, nhầm rác thải nhựa và vi nhựa thành thức ăn. Sau khi ăn phải, nhựa ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hô hấp và tiêu hóa của sinh vật, và nghiêm trọng hơn là dẫn đến cái chết của động vật, chim hoặc cá.
🌳 Tác động trước mắt của ô nhiễm nhựa, là sự phá hủy các môi trường sinh thái quan trọng tồn tại trong các khu rừng ngập mặn. Càng ngày, sự mất mát này càng phá hủy môi trường sống thiết yếu và chuỗi thức ăn của nhiều loài xem rừng ngập mặn là nhà. Nếu chúng ta không làm gì ngày hôm nay để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nhựa này, trong tương lai rất gần, một số sinh vật rừng ngập mặn độc đáo, chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
🌳 Không dừng lại ở đó, thông qua qua chuỗi thức ăn, con người ăn các loại thủy hải sản, các hợp chất độc hại từ nhựa có thể gây ra các tác động mãn tính đến sức khỏe con người, bao gồm phá vỡ hệ thống nội tiết tố (rối loạn nội tiết), gây ra các thay đổi di truyền (gây đột biến) và ung thư.
🌳 Theo nghiên cứu của báo The Guardian (Anh), ước tính trung bình người lớn ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, còn trẻ em là 40.000.
3. Cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên thế giới
🌳 Để giải quyết những mối đe dọa toàn cầu từ rác thải nhựa và hạt vi nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã nỗ lực đưa ra các chính sách phù hợp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.
-
Anh: Lượng túi nhựa dùng 1 lần giảm 95% nhờ chính sách thu phí
-
Philippines sản xuất khẩu trang làm từ cây chuối sợi giúp giảm rác thải nhựa
-
Singapore “nói không với rác thải nhựa”
-
Từ đầu năm 2020, Thái Lan ban hành lệnh cấm các loại túi nilon dùng 1 lần
-
Nhật Bản: Áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại
-
Đan Mạch sản xuất điện từ rác thải
🌳 Tuy nhiên, cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa không thể chỉ phó mặc cho chính phủ được. Mỗi chúng ta đều có vai trò trong việc hạn chế rác thải nhựa, bằng cách thay đổi thói quen và ý thức trong việc mua và thải bỏ hộp nhựa, các bạn nhé!